Thịt lợn đông lạnh: Bảo quản và rã đông đúng cách, ngon như thịt tươi
Trong đó, có 793 doanh nghiệp thuộc 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Nguồn cung, sản phẩm dồi dào
Trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước tăng cao, thịt lợn nhập khẩu cũng được coi là giải pháp thay thế hiệu quả cho người tiêu dùng. Khi được chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng tùy theo nhu cầu của bản thân và gia đình.
Theo số liệu của Cục Thú y, tính đến tháng 5/2020 đã có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt vào Việt Nam. Tổng lượng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu hơn 67.270 tấn, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2019, sản phẩm chủ yếu từ các quốc gia Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và LB Nga.

Đặc tính của thịt lợn nhập khẩu và sản phẩm thịt đều phải cấp đông nên người chế biến cần phải có kỹ thuật và các thiết bị để rã đông sản phẩm đúng cách. Nếu quá trình rã đông thịt không đúng cách sẽ rất dễ nhiễm vi sinh, làm giảm chất lượng thịt. Do đó, người tiêu dùng khi nấu ăn tại nhà phải tìm hiểu kỹ về quy trình rã đông thịt.
Trên thị trường hiện nay còn có hiện tượng thịt đông lạnh được rã đông rồi bán như thịt tươi sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng nên rất cần được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Để có thể xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam, nước xuất khẩu cần cung cấp cho Cục Thú y các hồ sơ, tài liệu về tình hình dịch bệnh, các chương trình và kết quả giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, chương trình và kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt lợn, năng lực chẩn đoán, xét nghiệm… để phục vụ việc phân tích rủi ro nhập khẩu.

Nếu kết quả phân tích rủi ro nhập khẩu cho thấy nước xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm của Việt Nam thì Cục Thú y sẽ tổ chức đoàn công tác kiểm tra thực tế tại nước xuất khẩu, thống nhất điều kiện nhập khẩu và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam.
Các nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn của các nước được xuất khẩu sang Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó gửi hồ sơ của từng nhà máy cho Cục Thú y để tổ chức thẩm định điều kiện VSATTP.
Cục Thú y tiến hành thẩm định, kiểm tra, đánh giá hồ sơ đăng ký xuất khẩu của từng nhà máy (kết hợp với kiểm tra thực tế khi cần thiết). Nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách được phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam.